Không phải thiết bị nào cũng đều được chế tạo với mức tiêu hao năng lượng điện như nhau. Mỗi thiết bị điện trong nhà bạn sẽ tiêu hao năng lượng với những mức khác nhau tùy thuộc vào từng loại và bạn cần phải quan tâm, sử dụng phù hợp để có thể tối ưu chi phí hoá đơn tiền điện hàng tháng.
Điện năng tiêu thụ trong các hộ gia đình được chia thành 5 mục đích chính như sau:
- Điều hòa và lò sưởi: 46%
- Bình nóng lạnh: 14%
- Đồ gia dụng: 13%
- Chiếu sáng: 9%
- TV và các phương tiện truyền thông xã hội khác: 4%
Theo thống kê này năm 2018, máy tính và các thiết bị điện tử tương tự chỉ tiêu tốn khoảng 4% tổng điện năng tiêu thụ của nhà dân. Thêm nữa, các thiết bị như máy rửa chén và máy giặt quần áo cũng tiêu thụ một lượng điện rất nhỏ.
Phần còn lại của hoá đơn tiền điện là từ các thiết bị nhỏ nhặt, linh tinh khác tiêu thụ năng lượng trong suốt cả ngày. Một số thiết bị như quạt trần tuy là có thể hoạt động cả ngày nhưng tải điện rất thấp, máy sấy tóc thì có tải điện cao nhưng thời gian và mật độ sử dụng lại ít. Tuy nhiên, tất cả những thứ này nếu tổng cộng lại cũng tiêu thụ kha khá lượng điện trong gia đình bạn.
LƯỢNG ĐIỆN TẢI MA
Thật thú vị, các thiết bị của bạn không chỉ tiêu thụ năng lượng khi chúng được khởi động. Rất nhiều thiết bị sẽ vẫn hút điện khi chúng đang tắt, trạng thái này được gọi là nguồn dự phòng hoặc lượng điện tải ma. Mặc dù không tốn nhiều điện như khi bật chúng nhưng với nhiều thiết bị như vậy sẽ làm tăng mức tiêu hao điện đáng kể. Trong thực tế, Hội đồng bảo vệ tài nguyên thiên nhiên (DRDC) ước tính rằng tác động tích luỹ của tải ma ở Mỹ lên đến 19 tỷ đô la mỗi năm và tương đương với khoảng 150 đô la mỗi hộ gia đình (báo cáo năm 2015).
Một ví dụ điển hình như TV, ngay cả khi bạn tắt chúng vẫn “hút điện” từ hệ thống lưới điện. Điều này là do có một lượng tải điện nhỏ cần thiết để đảm bảo rằng TV của bạn có thể được bật bằng remote điều khiển từ xa. Tương tự bộ sạc điện thoại, máy tính bảng, laptop nếu bạn không rút dây ra các thiết bị này cũng vẫn tiếp tục tiêu hao điện ngay cả khi chúng đã được sạc đầy.
Có thể bạn luôn tin rằng, chỉ cần thiết bị ở trạng thái tắt sẽ không tốn điện năng. Nhưng thực tế là một số thiết bị điện vẫn tiêu hao lượng điện không hề nhỏ ngay cả khi đã tắt, khiến gia đình bạn phải trả thêm một khoản tiền “vô nghĩa” cho hóa đơn tiền điện hàng tháng.
RÚT PHÍCH CẮM ĐỂ TIẾT KIỆM MỘT NỬA TIỀN ĐIỆN TẠI NHÀ MỖI THÁNG
Bằng hành động đơn giản là rút phích cắm một số đồ dùng dưới đây khi không sử dụng, bạn có thể tiết kiệm được chi phí.
Cắm cục sạc nhưng không kết nối điện thoại
Dù không được cắm vào điện thoại nhưng khi bộ sạc vẫn kết nối với nguồn điện, nó vẫn sẽ tiếp tục sử dụng năng lượng. Tuy lượng điện năng mà chúng có thể tiêu thụ một ngày không đáng kể, chỉ khoảng 1,2 W nhưng nếu cứ cắm liên tục thì chúng cũng là thủ phạm làm tăng hóa đơn tiền điện hàng tháng của bạn.
Bộ điều khiển truyền hình kỹ thuật số
Thiết bị này sẽ tiếp tục hoạt động sau khi bạn tắt chúng đi nhưng vẫn kết nối với nguồn điện. Theo ước tính chuyên gia nghiên cứu đưa ra, bộ điều khiển này có thể tiêu tốn tới 22 USD tiền điện một năm.
Hầu hết chúng ta đều không bận tâm tới việc chuyển đổi hoạt động của thiết bị sang chế độ chờ và nghĩ rằng chỉ cần tắt tivi là đủ. Kết quả là chi phí tăng lên gấp 5 lần.
Chỉ tắt tivi bằng nút tắt từ điều khiển
Nhiều người thường có thói quen tắt TV bằng remote để tiết kiệm thời gian. Tuy nhiên, trong trường hợp này, thiết bị sẽ được chuyển sang chế độ chờ và vẫn liên tục tiêu thụ một lượng điện không hề nhỏ. Con số này, qua các thí nghiệm, có thể lên đến hơn 24W mỗi ngày.
Đặc biệt, năng lượng tiêu hao sẽ còn nhiều hơn đáng kể với các loại TV được tích hợp nhiều công nghệ hiện đại và có kích thước lớn. Chính vì vậy, từ bây giờ, hãy tập cho mình thói quen tắt điện nguồn từ TV hoặc thậm chí là rút luôn phích cắm, để có thể “giảm tải” cho hóa đơn tiền điện của gia đình.
Ngoài việc tắt các thiết bị điện tử khi không sử dụng đến, vài thao tác đơn giản sau cũng có thể giúp bạn tiết kiệm điện:
- Vô hiệu hóa chế độ chờ và cài đặt chế độ khởi động nhanh.
- Mua sản phẩm tiết kiệm năng lượng.
- Giảm độ sáng màn hình.
Để máy tính để bàn và laptop ở chế độ “ngủ”
Máy tính để bàn và Laptop sẽ vẫn hoạt động ngầm, ngay cả khi bạn tắt chúng bằng lệnh “Turn off”. Trung bình, các thiết bị này, sử dụng khoảng 96W mỗi ngày, tức là mỗi tháng, lượng điện tiêu thụ của cả gia đình sẽ bị đội lên khoảng 3 số điện “vô ích” cho mỗi chiếc máy tính trong nhà.
Ngoài ra, con số này sẽ còn cao gấp 1,5 lần nếu bạn có thói quen để máy ở chế độ chờ “Stand by”.
Tắt điều hòa bằng điều khiển
Hệ thống HVAC (hệ thống kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm và chất lượng không khí trong nhà) giúp mang lại sự thoải mái cho con người nhưng đây cũng chính là nguồn “ngốn” điện nhất trong nhà của bạn, lên tới 46%. Một thiết bị HVAC trung tâm có công suất trung bình khoảng 3500W và chạy 2 – 3 lần mỗi giờ trong khoảng 10 – 15 phút. Trong vòng 24 giờ, hệ thống HVAC sẽ tiêu tốn khoảng 28 – 63 kWh, khoảng 850-1,950 kWh một tháng, tùy thuộc vào hiệu suất của hệ thống.
Thông thường, điều hòa là một thiết bị tiêu tốn khá nhiều điện năng, tuy nhiên nhiều người dùng vẫn chưa biết rằng thiết bị này vẫn “ngốn” một lượng điện đáng kể sau khi được tắt bằng điều khiển.
Trung bình, nếu tắt bằng điều khiển, thiết bị điều hòa sẽ vẫn duy trì ở chế độ chờ và tiêu tốn một lượng điện năng đáng kể, tương đương một bóng đèn thắp sáng.
Lời khuyên của các chuyên gia là người dùng nên ngắt hẳn nguồn điện sau khi sử dụng. Điều này không chỉ mang ý tiết kiệm điện, mà còn giúp thiết bị duy trì độ bền và tuổi thọ hoạt động lâu hơn.
Ngoài ra, cũng có nhiều cách khác nhau để bạn cắt giảm lượng điện năng tiêu thụ như:
- Sử dụng quạt trần để tăng cường lưu thông không khí
- Bảo trì điều hòa định kỳ hàng năm
- Sử dụng rèm để che nắng vào mùa hè
- Thay thế bộ lọc không khí định kì
Tắt bộ phát Wifi vào ban đêm
Với sự phát triển của công nghệ, bộ phát sóng Wifi đang trở thành thiết bị không thể thiếu trong các gia đình. Chúng thường được bật 24/24, nhưng ít ai quan tâm đến rằng những thiết bị này đang “ngốn” khá nhiều năng lượng trong ngôi nhà của bạn.
Một bộ phát sóng Wifi tiêu tốn từ 2W-20W. Lấy công suất tiêu thụ trung bình là 6W, như vậy, nếu bật cả ngày trong 1 năm, thiết bị này sẽ tiêu thụ khoảng 368 kWh. Nhân với giá điện trung bình trong nước là 1.500 đồng/kWh, thì bạn cần chi trả hơn 550 ngàn đồng tiền điện.
Các thiết bị có màn hình hiển thị giờ
Đứng đầu trong danh sách “ngốn” điện, chính là những thiết bị có màn hình hiển thị giờ vốn được tích hợp trong rất nhiều món đồ gia dụng thế hệ mới. Điển hình như: tủ lạnh, máy giặt, lò nướng, lò vi sóng, bếp từ, nồi cơm điện…
Những chiếc màn hình “nhỏ tí xíu” này lại sử dụng đến 108 W điện trong 24 tiếng, bởi ngoài chức năng hiển thị giờ, nó còn giữ một sự kết nối đến toàn bộ hệ thống của thiết bị.
Bếp điện
Bếp điện có công suất trung bình khoảng 1500W. Nếu được sử dụng mỗi ngày 2 giờ, nó sẽ tiêu tốn 95 kWh mỗi tháng. Bạn có thể giảm số lượng điện tiêu thụ cho bếp điện bằng cách:
- Sử dụng lò vi sóng thay thế nếu có thể.
- Bếp điện không cần phải làm nóng trước.
- Tắt bếp vài phút trước khi chín, phần nhiệt còn lại sẽ giúp làm chín thức ăn.
Không nên bật lò vi sóng khi trong phòng có máy lạnh hoặc đặt gần các đồ điện khác. Đồ đựng thực phẩm trong lò phải bằng thủy tinh, đồ sứ hoặc gốm. Tránh dùng đồ kim loại vì chúng hút nhiệt, làm thực phẩm lâu chín, gây hao điện.
Luôn đóng kín cửa lò khi hoạt động để tránh thất thoát vi sóng ra ngoài, làm giảm hiệu quả của lò và tốn điện.
Tủ lạnh
- Không ngắt điện tủ lạnh khi không sử dụng
Việc ngắt điện tủ lạnh và không sử dụng trong một thời gian sẽ khiến cho các giàn nóng và lạnh bên trong máy bị oxy hóa và nhanh hỏng. Đồng thời, khi bạn khởi động lại thì tủ lạnh cũng sẽ tiêu thụ một lượng điện năng để làm lạnh lại từ đầu gây tốn điện.
Tủ lạnh không phải là thứ bạn có thể rút điện hàng ngày mỗi khi không sử dụng đến nhưng vẫn có rất nhiều cách khác nhau để bạn tiết kiệm điện khi sử dụng tủ lạnh như:
- Không chất quá nhiều thực phẩm trong tủ. Nhiều người vẫn nghĩ bỏ nhiều thức ăn vào tủ lạnh làm lạnh một lần để tiết kiệm. Tuy nhiên, việc làm này sẽ khiến cho tủ lạnh phải hoạt động với công suất cao để làm lạnh hết các thực phẩm bên trong tủ, phải tiêu tốn thêm nhiều năng lượng hơn so với bình thường.
- Sắp xếp thực phẩm hợp lý, đồ cần trước nên xếp ở chỗ dễ lấy.
- Sắp xếp thực phẩm khoa học theo hướng dẫn của nhà sản xuất để đảm bảo lưu thông khí bên trong tủ.
- Cài đặt nhiệt độ tủ theo khuyến cáo của nhà sản xuất.
- Thường xuyên lau dọn tủ sạch sẽ.
- Thay thế tủ cũ bằng tủ hiện đại, tiết kiệm điện.
Bình đun siêu tốc
Chọn mua bình đun siêu tốc có dung tích phù hợp với nhu cầu của gia đình để tránh việc đun nước nhiều lần trong ngày, gây lãng phí điện.
Tránh đun trong phòng có điều hòa nhiệt độ hoặc để trước luồng gió của quạt.
Bàn ủi áo quần
Nên chọn những loại bàn ủi có chất chống dính với mức công suất từ 1000w -1200w, vì những loại bàn ủi này không chỉ dễ ủi mà còn tiết kiệm được điện năng tiêu thụ.
Không dùng bàn ủi trong phòng có bật máy điều hòa nhiệt độ, khi điện chập chờn hoặc là khi quần áo còn ướt sẽ tiêu tốn rất nhiều điện năng; Khi ủi, nên cài nhiệt độ thích hợp cho từng loại vải.
Bình nóng lạnh
Bình nóng lạnh đứng thứ 2 trong danh sách những thiết bị tiêu tốn nhiều điện năng nhất trong gia đình với 14%. Trung bình, một bình nóng lạnh sẽ hoạt động 3 giờ mỗi ngày và có công suất 4500W, khiến cho số điện của bạn thăng thêm 13,5 kWh mỗi ngày và 405 kWh mỗi tháng. Tuy nhiên, bạn có thể tiết kiệm được phần lớn số tiền này với những phương pháp sau:
- Tắt bình nóng lạnh khi không sử dụng (chỉ cần bật trước khi dùng 15 phút).
- Sử dụng bình nước nóng năng lượng mặt trời.
- Lắp đặt vòi hoa sen tiết kiệm nước và thiết bị sục khí vòi.
- Vệ sinh, bảo trì thường xuyên.
Máy giặt
Máy giặt sẽ chiếm khoảng 5% lượng điện tiêu thụ. Vì vậy, khi sử dụng những thiết bị này, hãy nhớ:
- Giặt đầy thùng máy giặt.
- Giặt bằng nước lạnh.
- Tẩy lồng máy giặt thường xuyên.
- Tận dụng ánh nắng tự nhiên để phơi quần áo thay vì sử dụng máy sấy (nếu có thể)
Chiếu sáng
Thiết bị chiếu sáng chiếm 9% lượng điện tiêu thụ trong phần lớn các gia đình. Công suất của các thiết bị chiếu sáng cũng khác nhau, tùy thuộc vào loại bóng đèn và thời gian sử dụng. Một bóng đèn 100W được sử dụng 2 giờ mỗi ngày sẽ tiêu tốn 0.2 kWh/ngày, 6 kWh/tháng. Giả sử bạn sử dụng 50 bóng đèn thì số lượng điện tiêu thụ sẽ là 300 kWh. Khi sử dụng đèn chiếu sáng, hãy nhớ:
- Tắt đèn khi ra khỏi phòng. Đây chính là thói quen của rất nhiều người nhằm tiết kiệm năng lượngtrong nhà khi không sử dụng. Tuy nhiên cách này chỉ đúng với đèn sợi đốt, còn đèn huỳnh quang thì không. Việc bật tắt đèn huỳnh quang nhiều lần sẽ càng tốn điện hơn. Thế nên, nếu bạn ra khỏi nhà trong vòng 15 phút trở lại thì không cần phải tắt đèn.
- Sử dụng bóng đèn LED hoặc compact tiết kiệm điện thay vì đèn sợi đốt.
- Tận dụng ánh sáng tự nhiên, đặc biệt là vào mùa đông (vừa tiết kiệm tiền điện lại vừa tận dụng năng lượng nhiệt).
- Sử dụng chế độ hẹn giờ nếu không muốn để đèn qua đêm.
- Lắp cảm biến chuyển động cho đèn chiếu sáng bảo vệ ngoài trời để bật lên tự động những khi cần thiết.
Bài viết có sử dụng một số nguồn tài liệu trên Goldcup