Việc tiết kiệm điện là một điều rất nên làm, nhất là khi mùa hè đang đến. Tuy nhiên, với những kiểu tiết kiệm điện dưới đây, lượng điện năng sử dụng nhà bạn không những không giảm mà còn gây tốn điện khủng khiếp
Dùng thiết bị “tiết kiệm điện”
Bạn vẫn sẽ thường thấy nhan nhản trên báo đài về việc quảng cáo các thiết bị tiết kiệm điện. Theo đó, người ta cho rằng những vật dụng như tivi, tủ lạnh…khi có sự hỗ trợ của thiết bị tiết kiệm điện sẽ giúp giảm bớt 30 – 40% năng lượng điện tiêu thụ. Tuy nhiên, những loại thiết bị này đa số vẫn chưa được kiểm định rõ ràng. Vì thế, nếu bạn sử dụng phải hàng “dỏm”, thậm chí chúng sẽ còn gây tốn điện hơn hoặc gây nguy hiểm cho người dùng.
Bật tắt máy lạnh liên tục
Nhiều người có thói quen ra khỏi phòng là tắt máy lạnh rồi vào phòng lại bật lại dù thời gian ra ngoài không lâu. Cũng có người có thói quen bật máy lạnh khi thấy nóng và tắt máy lạnh khi thấy lạnh. Hành động này sẽ khiến cho máy lạnh mau hỏng và gây tốn điện nhiều hơn vì chúng phải mất một lượng điện năng để khởi động lại. Vì thế, bạn nên duy trì nhiệt độ máy lạnh ở mức 28 – 29 độ và dùng thêm quạt để hơi lạnh lan tỏa khắp phòng.
Ngắt điện tủ lạnh khi không sử dụng
Việc ngắt điện tủ lạnh và không sử dụng trong một thời gian sẽ khiến cho các giàn nóng và lạnh bên trong máy bị oxy hóa và nhanh hỏng. Đồng thời, khi bạn khởi động lại thì tủ lạnh cũng sẽ tiêu thụ một lượng điện năng để làm lạnh lại từ đầu gây tốn điện.
Bật bình nóng lạnh cả ngày vì bình có chức năng tự ngắt điện khi quá nhiệt
Đúng là rơ le nhiệt trong bình nóng lạnh có tác dụng tự ngắt khi nước đủ nóng, nhưng cũng tự động đóng điện cho thanh đun nếu nhiệt độ nước trong bình xuống thấp. Thêm nữa, việc cắm điện suốt 24/24 giờ làm cho dây may so nhanh hỏng vì phải hoạt động nhiều dễ quá tải, cháy nổ. Đây là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng bình nóng lạnh bị rò điện. Vì vậy chỉ nên bật bình nóng lạnh trong vòng 10-20 phút và phải tắt nguồn điện trước khi sử dụng.
Cho quá nhiều thức ăn trong tủ lạnh
Nhiều người vẫn nghĩ bỏ nhiều thức ăn vào tủ lạnh làm lạnh một lần để tiết kiệm. Tuy nhiên, việc làm này sẽ khiến cho tủ lạnh phải hoạt động với công suất cao để làm lạnh hết các thực phẩm bên trong tủ nên phải tiêu tốn thêm nhiều năng lượng hơn so với bình thường.
Thường hay để thiết bị ở chế độ chờ
Không ít người có thói quen để laptop ở chế độ chờ để tiết kiệm điện. Thật ra, dù là ở chế độ chờ máy vẫn phải tiêu thụ một lượng điện năng nhất định. Không những thế, trong quá trình đó nếu nguồn điện nhà bạn có điều gì bất ổn thì rất dễ gây ra chập điện, cháy nổ. Thế nên tốt nhất bạn hãy tắt máy tính của mình khi không sử dụng.
Tắt đèn khi ra khỏi phòng
Đây chính là thói quen của rất nhiều người nhằm tiết kiệm năng lượng trong nhà khi không sử dụng. Tuy nhiên cách này chỉ đúng với đèn sợi đốt, còn đèn huỳnh quang thì không. Việc bật tắt đèn huỳnh quang nhiều lần sẽ càng tốn điện hơn. Thế nên nếu bạn ra khỏi nhà trong vòng 15 phút trở lại thì không cần phải tắt đèn.
Chỉ quan tâm tới việc tiết kiệm điện cho máy lạnh, tủ lạnh
Đây chính là hai trong số những thiết bị trong gia đình gây tốn điện nhất. Thế nhưng bên cạnh đó vẫn còn rất nhiều những thiết bị khác đang “ngốn” điện trong nhà bạn mà bạn quên để ý như lò vi sóng, lò nướng, đèn chiếu bể cá… Vì thế, bạn cần phải lưu ý cho việc tiết kiệm điện cho tất cả các thiết bị trong nhà.
Cách tiết kiệm hợp lý:
Các chuyên gia khuyên, để tiết kiệm điện các gia đình nên sử dụng thiết bị điện có công suất thích hợp, ưu tiên chọn các thiết bị thế hệ mới.
Trong lĩnh vực chiếu sáng nên thay đèn ống thế hệ cũ (đèn ống béo 40W) bằng đèn ống gầy 36 W nhưng quang thông tăng 20%, nên sử dụng chấn lưu sắt từ tổn hao thấp (6W so với chấn lưu thông dụng 10 W), chấn lưu điện tử (2 W). Thay các bóng đèn sợi đốt bằng bóng đèn compact có cùng quang thông nhưng công suất tiêu thụ giảm đi 4 lần.
Trong các loại đồ điện đốt nóng nên dùng bếp từ, lò vi sóng có hiệu suất nhiệt cao. Khi rất cần thiết mới sử dụng lò nướng điện trở vì hiệu suất thấp. Sử dụng rộng rãi thiết bị đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời.
Không nên mua tủ lạnh quá to, chọn mua điều hòa nhiệt độ thế hệ mới có BTU phù hợp với diện tích phòng, khi sử dụng nên đặt nhiệt độ vừa phải (25º C). Nên nhớ là giảm nhiệt độ đặt 1° C sẽ tiết kiệm 5% điện năng tiêu thụ.
Tắt nguồn thiết bị điện khi không sử dụng. Nếu lâu không dùng hãy rút phích để tránh tốn điện lưu trong máy. Ví dụ, máy điều hòa không tắt nguồn có thể tốn bằng một bóng điện 15 W mỗi ngày. Nên giữ sạch sẽ các đồ điện, định kỳ lau phin lọc của điều hòa nhiệt độ.
Bài viết được tham khảo từ Tập đoàn điện lực Việt Nam EVN